Announcement

Collapse
No announcement yet.

Tư vấn chọn ngành - về các ngành trong ĐH CNTT

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Tư vấn chọn ngành - về các ngành trong ĐH CNTT

    Thấy có nhiều bạn thí sinh yêu cầu tư vấn chọn ngành mà không có câu trả lời nào thỏa đáng. Cũng dễ hiểu thôi, các bạn nhờ tư vấn nhưng không nói rõ hoàn cảnh, tâm tư của các bạn thì người muốn tư vấn cũng chỉ có thể làm thầy bói mù xem voi. Nhân lúc trà dư tửu hậu giữa giờ trưa này, một sinh viên đã tốt nghiệp xin chia sẻ cho các bạn một vài mẩu chuyện và một vài kinh nghiệm về những ngành học trong UIT.

    Thứ nhất xin nói ngay luôn cho khỏi dài dòng. Nếu bạn chỉ muốn học xong CNTT rồi ra đi làm thì KHOA NÀO CŨNG NHƯ NHAU. Kiến thức các khoa dạy là khác nhau, chương trình học là khác nhau. Nhưng để đi ra trường xin việc làm thì hiệu quả như nhau. Vì sao? Hẵn bạn đã nghe nhiều người nói rằng ĐH bây giờ dạy kiến thức thừa, không xài được nên công ty toàn phải đào tạo lại. Đây là một sự ngộ nhận vì cái quý giá nhất mà trường ĐH trang bị cho các bạn không phải chỉ có kiến thức, mà là "khả năng tự tìm kiếm kiến thức".

    Về mặt kiến thức, khi đi làm chủ yếu bạn chỉ dùng kiến thức của 2 năm đại cương. Hai năm học chuyên ngành là để bạn rèn dũa lại những gì đã học, tăng thêm sự tự tin và giúp bạn "biết mình biết người". Biết mình biết người để biết công việc nào bạn làm được, công việc nào chưa làm được và cần phải trang bị thêm cái gì để làm được công việc đó. Đây là mấu chốt để xin được việc làm tốt chứ không phải là quen tay giỏi nghề. Các bạn có thể thấy các công ty ra rả kêu trên báo chí là sinh viên ra trường phải đào tạo lại, nhưng thực tế họ luôn chi rất nhiều cho việc đào tạo nhân viên, luôn sẵn sàng đào tạo lại sinh viên mới ra trường nếu họ biết là sinh viên đó tiếp thu rất nhanh và sẽ trở nên ngày càng giỏi hơn. Tuyển một sinh viên ra trường có thể làm việc ngay nhưng không thể đào tạo thêm gì cả thì làm sao phát triển công ty lên. Các công ty luôn muốn tối ưu lợi nhuận, muốn nhân viên phải vừa có thể làm việc ngay khi ra trường lại vừa có thể được đào tạo thêm. Nhưng nếu phải chọn 1 trong 2 tiêu chí thì họ luôn biết nghiêng về cái nào khôn ngoan hơn.

    Tôi có một anh bạn, khi còn học anh ấy rất sợ sau này ra trường không làm được gì nên ngoài giờ học trên trường, anh ấy tự học làm web, với mơ ước làm một cái trang giống giống facebook để nó nuôi mình. Đến khi ra trường thì gặp ngay trào lưu lập trình di động trên Android với iOS. Anh ấy không biết gì 2 món này cả nhưng cũng nộp đơn vô một công ty chuyên lập trình di động, khi phỏng vấn anh ấy bảo "Lập trình là em vô tư, nhưng Object-C với iOS em chỉ mới tìm hiểu sơ sơ thôi". Công ty đó nhận, cho anh ấy vào nhóm để vừa làm vừa học, bây giờ thì iOS hay android gì anh ấy cũng làm láng được, lương ở mức phải lách luật để trốn thuế thu nhập.

    Có một anh bạn khác cũng apply vào một công ty lập trình di động, cũng nói là em chưa rành mới tìm hiểu sơ sơ. Công ty không nhận, anh ấy về nhà bỏ 4 tháng tự học lập trình Android không cần thầy bà gì cả. Đến tháng thứ 5 anh ấy apply vào một công ty khác, công ty này bắt trong 1 tuần phải viết được 1 ứng dụng trên... blackberry 1 tuần sau anh ấy được nhận, lương cao hơn chỗ lần đầu tiên phỏng vấn.

    Đó là câu trả lời cho các câu hỏi dạng như "ngành này học ra làm gì?", "Ngành này cơ hội nghề nghiệp thế nào?". Chẳng cần phải hỏi đâu các bạn. Tất cả UIT-er - không phân biệt khoa/ngành - đều là dân ngành Công nghệ thông tin và có cùng cơ hội nghề nghiệp khi ra trường!! Dĩ nhiên tôi không phải là chuyên viên phân tích thị trường lao động. Những gì tôi biết cũng chỉ từ hỏi thăm người đi trước và quan sát thực tế xung quanh mình. Cán bạn xem và suy nghĩ thử.

    Điều thứ hai muốn nói là tại sao trường có nhiều ngành thế và các ngành này là gì? Đây là một điều chính đáng để tò mò nhưng không dễ gì hiểu hết 5 ngành của trường khác nhau thế nào. Sinh viên đang học chưa chắc gì đã hiểu. Sự khác biệt này chỉ quan trọng nếu bạn muốn học lên các bậc học cao hơn. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn một số điều tôi chiêm nghiệm được nhưng chắc là để lát nữa, giờ đi ăn cơm tối đã.

  • #2
    Hồi mới vào trường tôi chọn công nghệ phần mềm. Vì tôi thích lập trình, thích làm chủ máy tính thích viết phần mềm để cải thiện máy tính theo ý mình. Bạn bè tôi đứa thì chọn mạng vì nó thích làm quản trị, chọt chọt cho máy chạy chứ không thích lập trình. Có đứa khác thích phần cứng vì nó thích tháo banh máy ra ráp lại cho nó khủng. Và chúng tôi nghĩ rằng thế giới CNTT chỉ có 3 mảnh phần mềm, mạng, phần cứng ghép lại mà thành... Thật ấu trĩ.

    Bây giờ ngẫm lại mới thấy, lập trình là thứ mà khoa nào trong trường cũng phải học. CNTT là phải biết lập trình. Ở một góc nào đó có thể xem lập trình là quá trình giao tiếp với máy tính - trong đó - bạn viết cho máy một bảng hướng dẫn các bước phải thực hiện công việc để nó biết cách mà làm việc thay cho bạn hoặc phụ giúp bạn. Và bản hướng dẫn này viết bằng ngôn ngữ lập trình, C/C++/C# hay gì đó tùy, miễn là máy nó hiểu. Ai không thể giao tiếp, nói chuyện với máy tính thì người đó không phải là dân CNTT mà chỉ là một kẻ ngoại đạo biết xài máy tính, chỉ biết xài những gì máy tính có mà không thể hướng dẫn thêm để nó làm các việc khác. Như vậy sự khác nhau giữa những ngành trong ĐH CNTT chủ yếu ở chỗ tư duy hay mục tiêu của các bạn khi lập trình.

    Khoa CNPM hướng đến phục vụ ngành công nghiệp phần mềm: "làm sao tạo ra sản phẩm phần mềm với chi phí công cán ít nhất để bán cho có lời nhất". Vì thế vào ở đây các bạn sẽ được nhồi tư duy: "lập trình theo cách KHỎE nhất có thể". Bạn sẽ học về công nghệ, tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các công nghệ và các thư viện để máy tự sinh ra code và bạn phải gõ code càng ít càng tốt. Bạn cũng sẽ học cách phải code như thế nào đễ có thể xài đi xài lại mà không phải gia công sửa chữa gì nhiều. Bạn code càng ít thì càng ít nguy cơ gặp bug, đỡ tốn tiền fix bug. Code ít thì giờ công ít, và tiền công phải trả cho bạn càng ít, như vậy công ty bán phần mềm sẽ tối đa được lợi nhuận. Mình thấy đây là bản chất cốt lõi nhất của ngành công nghiệp phần mềm và các công nghệ xoay quanh nó tập trung phục vụ cho bản chất này.

    Đối với ngành CNPM có một số ngộ nhận của các bạn học sinh cần đính chính ngay:
    Ngộ nhận thứ nhất: mặc dù tên và nội dung toàn là phần mềm với code nhưng học CNPM không có nghĩa là học lập trình và không có nghĩa là bạn sẽ viết được mọi phần mềm. Sẽ có những vấn đề rất khó khiến bạn ngồi thẫn thờ ngày nay qua tháng nọ trước máy tính mà không biết phải gõ cái gì. Miễn bàn luôn việc viết code nhiều hay ít, tốn nhiều công hay ít công, dễ hay khó tận dụng lại, đơn giản là bạn không biết phải làm như thế nào. Vì sao? Vì bạn cần kiến thức của các ngành khác. Không có ngành nào là hoàn hảo một mình nó một cõi được cả.

    Ngộ nhận thứ hai: Code ít là code tốt và tận dụng tốt công nghệ thường được cho là pro nhưng nhiều khi không phải. Thực tế thì còn phải tùy trường hợp. Bạn code ít tốn công sức, code có thể dùng lại nhiều lần nhưng cái chương trình bạn code ra nó chạy quá chậm, ngốn quá nhiều RAM thì nó vẫn dở. Hoặc nó chạy được có nhanh nhưng lổ hỗng bảo mật lúc nhúc thì nó vẫn dở.

    Chính hai cái ngộ nhận này khiến cho hàng năm thí sinh ùn ùn đổ xô vào khoa công nghệ phần mềm, đẩy tỉ lệ chọi lên cao chót vót. Thực tế học phần mềm không có nghĩa là học mọi thứ về phần mềm, chủ yếu là bạn tập dợt cho việc: Tiết kiệm công sức tối đa Và tận dụng lại code mình đã viết.


    (còn tiếp)
    Last edited by truonganpn; 02-01-2013, 22:51.

    Comment


    • #3
      Originally posted by tuantu123lkjh
      phần mềm nào thì phần mềm chứ. Không có mmt thì ngổi ở nhà 1 mình với cái máy mà thôi >>> vì thế em quyết định chọn mmt
      vậy ko có cái máy tính thì em lên mạng bằng cái gì? >>> vì thế anh chọn KTMT .

      Khoa KTMT trong suy nghĩ của nhiều người là khoa nghiên cứu chế tạo ra cái ..."máy tính", tức là học khoa này ra trường, công việc triển vọng nhất là ... đi sửa máy tính . Đây là ngộ nhận phổ biến trong suy nghĩ của rất nhiều người. Trên thực tế, ngành KTMT có rất nhiều hướng nghiên cứu khác nhau:

      -- Hệ thống nhúng : các hệ thống thông minh thường gặp trong xe hơi, điện thoại di động, máy giặt...

      -- Thiết kế vi mạch : thiết kế các con IC, quen thuộc nhất là con CPU trong máy tính cá nhân...

      -- Robotic và robocon


      Ủa cái ngành KTMT này, có vẻ mới mới... ở VN chắc học ra chả biết làm gì? Mấy công ty sản xuất chíp thì nó nằm tận đẩu tận đâu ở bên Mỹ chứ đâu có ở VN đâu mà học ^_^.


      Lại một ngộ nhận khác nữa của nhiều người khi nghĩ đến KTMT. Có rất nhiều công ty làm về lĩnh vực thiết kế chip ở VN, nhưng đặc thù của các công ty đó là khách hàng của họ không phải là người dùng đầu cuối như chúng ta mà là các hãng sản xuất thiết bị như : samsung, nokia, mortorola... cho nên ít người biết đến.

      Ủa thế học KTMT xong ra trường cơ hội việc làm có nhiều không?

      Sản phẩm mà ngành KTMT tạo ra không bị trói buộc với cái máy vi tính, tức là nó có thể hoạt động trên nhiều thiết bị khác nhau: điện thoại, tivi, máy giặt...

      Bạn thử so sánh số lượng các thiết bị điện tử thông minh (tủ lanh, máy giặt, ti vi...) ở nhà bạn với số lượng máy tính thử xem , rõ ràng máy tính thì nhiều lắm nhà bạn chỉ có 2-3 cái trong khi tính hết điện thoại, máy giặt, tivi, đầu đĩa.... chắc cũng được 10 cái . Rõ ràng là với nhu cầu lớn như thế thì cơ hội việc làm của bạn là rất lớn. Ở đây mình không nói đến con số cụ thể, hay chắc chắn học xong bạn sẽ có việc làm vì điều đó còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của bạn

      Vậy học KTMT có khó không?

      Khó, rất khó nếu bạn lười... không khó lắm nếu bạn chăm chỉ, kiên trì và học với lòng đam mê ... còn dễ nếu như bạn là một "thiên tài" . Nói nghe có vẻ chung chung sách vở nnhưng sự thật là như thế, bởi đến với KTMT nói chung và CNTT nói riêng thì yêu cầu đầu tiên đó là phải TỰ HỌC, chủ động tìm kiến thức. Đặc thù của KTMT là sử dụng tài liệu chủ yếu là tiếng Anh (sách tiếng việt dịch ko kịp với tốc độ phát triển của công nghệ T_T) cho nên bạn cần phải kiên trì và có lòng đam mê để theo đuổi.

      Vậy nếu như em học KTMT giữa chừng không học nổi nữa thì sao?

      Chả sao cả ... trải qua 2 năm học đầu tiên ở trường bạn sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức về lập trình... và sau hai năm đó bạn có thể đi làm ở vị trí Coder. Còn nếu bạn lên đến năm 3,4 thì bạn có thể tham gia vào việc viết các apps cho các thiết bị di động trên nền tảng các hệ điều hành thời thượng như android, windowphone... Trên thực tế thì ở UIT 60% kiến thức là giống nhau với tất cả các khoa, 40% còn lại tạo ra sự khác biệt. Do đó bạn nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy KTMT không phù hợp thì có thể tự trang bị 40% kiến thức còn lại đó bằng cách tự học, hỏi bạn bè hoặc giảng viên.

      Các thầy cô ở UIT nói chung và khoa KTMT nói riêng thường rất nhiệt tình trong việc hướng dẫn cho sinh viên chịu tìm hiểu và chăm chỉ, dĩ nhiên "thẳng tay" với những trường hợp làm biếng


      Những gì mình viết trên đây chỉ cung cấp cho các bạn cái nhìn sơ lược về ngành KTMT, thực sự có nhiều chỗ chưa chính xác lắm, nhưng vì nó dính hơi sâu và chuyên ngành nên mình không thể nói rõ ở đây, bạn nào quan tâm có thể lên mạng tìm hiểu thêm về ngành KTMT qua các từ khóa: "Hệ thống nhúng", "thiết kế IP-Core", "thiết kế ASIC", "thiết kế vi mạch"...

      Chúc các bạn có thể lựa chọn đúng lĩnh vực phù hợp với mình!
      Last edited by 08520229; 13-03-2012, 01:18.
      Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc,
      Một dấu chân in màu đất hai miền.

      ------------------------------------------------------

      Comment


      • #4
        Chap 2.

        Khoa Mạng máy tính và truyền thông thường bị ngộ nhận nơi ít phải lập trình. Nhiều thí sinh cho rằng em lập trình kém thì nên em vô mạng nó mới... đúng sở trường. Thế nhưng quản trị viên vẫn phải lập trình đấy, không viết chương trình hoàn chỉnh thì cũng viết các công cụ nhỏ nhỏ để tự động hóa công việc. Ví dụ như viết script để tự động ban bất kỳ IP nào truy cập vào server quá nhiều, hay viết một tool nhỏ nhỏ để brute force password của thằng kia. Và có thể bạn chưa biết chứ viết file config cho các ứng dụng mạng cũng là một hình thức lập trình đơn giản.

        Mà nói đến lập trình mạng thì nhiều người lại nghĩ tới những cái ứng dụng có xai mạng méo như chat chit hay phây búc phây beo. Thật ra cần phải đính chính một tí rằng đây là các ứng dụng phổ thông đại chúng, ai cũng biết xài và ai cũng biết viết. Những kiến thức chuyên sâu về truyền thông, truyền dữ liệu và mạng máy tính sẽ hướng bạn đến những loại ứng dụng khác. Cụ thể nhất như bạn nghĩ cái firewall bạn đang xài hàng ngày là ai viết? Hay những cái tool mà bất kỳ "dân ngành mạng" nào cũng xài: wireshark, zenmap, v.v... Những công cụ đó chuyên dụng cho ngành mạng nên dĩ nhiên người lập trinh ra chúng cũng phải rất chuyên về mạng. Cái đấy mới thật sự là lập trình mạng.

        Khoa mạng cũng có chuyên ngành về quản trị và bảo mật mạng nhưng đây không phải là chỗ để "đào tạo hacker". Các bạn sẽ được cung cấp một số kiến thức nhất định về bảo mật, có thể nắm một số những lỗi sơ đẳng về bảo mật để tự phòng tránh nhưng không có trường lớp nào dạy các bạn ra làm hacker cả. Kiến thức các bạn tự trau giồi và sử dụng thế nào là ý thức và trách nhiệm của các bạn. Mục đích chính của bảo mật mạng là giúp các bạn khi làm việc có một ý thức về bảo mật, giống như bên phần mềm có ý thức về "tái sử dụng code và tránh bug tối đa" khi lập trình vậy.

        Và điểm cuối cùng cần lưu ý đối với ngành mạng đó là "uy tín đè bằng cấp". Chỉ cần tìm hiểu sơ một tí là các bạn thấy ngành mạng có một hệ thống chứng chỉ bao la cùng một mạng lưới các trung tâm bao la không kém. Tại sao có lắm chứng chỉ thế? Là để tăng uy tín với nhà tuyển dụng, không ai muốn giao hệ thống mạng của mình cho một chuyên viên gà mờ bởi vậy nên để chứng minh mình không phải gà mờ mọi người đổ xô vắt theo bên mình một đống chứng chỉ, hy vọng nhà tuyển dụng không tin chứng chỉ này thì tin chứng chỉ khác.
        Tình trạng này chắc giống với các bạn học đại học chuyên ngữ. Mang bằng cử nhân anh văn nhưng vẫn phải lận lưng thêm cái toefl hay ielts gì đấy. Tôi không phải người trong ngành nên tôi không thể nói với các bạn kỹ hơn về mấy loại chứng chỉ này nhưng tôi dám khẳng định một điều cái uy tín quan trọng nhất là kinh nghiệm làm việc chứ không phải mớ chứng chỉ lận lưng. Lận thật nhiều chứng chỉ nhưng chưa xông trận thực chiến bao giờ người ta nhìn vào vẫn ái ngại. Kinh nghiệm ở đây không bắt buộc các bạn phải là đi làm ăn lương mà tính luôn kinh nghiệm khi còn đi học. "Đã từng quản lý một phần hệ thống mạng của trường" cũng được coi là kinh nghiệm. Chứng chỉ học và thi rất tốn kém các bạn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định theo hết con đường này.

        (còn tiếp)

        Comment


        • #5
          Theo ngành HTTT đi lập trình các ứng dụng có sử dụng cơ sở dữ liệu. Bạn được học về các loại cơ sở dữ liệu, và bị ép phải lập trình các ứng dụng có dùng cơ sở dữ liệu. Không có cơ sở dữ liệu không có điểm. Dĩ nhiên như vậy bạn sẽ phải biết thao tác với cơ sở dữ liệu. Các bạn sẽ được giới thiệu về cách làm sao chứa một mớ dữ liệu thật lớn, làm sao truy vấn cho tốt cho nhanh.

          Tuy nhiên, quan trọng nhất không phải là kiến thức về mấy cái SQL hay Oracle nọ kia kia nọ mà cái quan trọng nhất các bạn thu lượm được là làm sao biến hóa cái thông tin của tổ chức, doanh nghiệp thành cơ sở dữ liệu. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đơn vị, nhiều đối tượng khác nhau. Mỗi đối tượng có nhiều thông tin và một mớ số má số liệu hầm bà lằng đủ các kiểu. Làm sao đưa cái đống tạp nham đó lên thành một cơ sở dữ liệu có cấu trúc rõ ràng minh bạch, tiết kiệm không gian lưu trữ không thiếu không thừa, truy xuất thông tin dễ dàng chính xác nhanh gọn?

          Có nhiều người nói học ngành này ra suốt ngày ngồi quản lý, đắm đuối với dữ liệu rất nhàm chán. Thật ra vai trò chính của những người làm trong ngành hệ thống thông tin là *xây dựng* và *cập nhật, cải tiến* hệ thống quản lý. Còn người thật sự quản lý là... sếp, không tới lượt nhân viên quèn như chúng ta đâu, các bạn cứ yên tâm. Để xây dựng được hệ thống quản lý các bạn phải có kiến thức về quy trình quản lý thông tin trong một công ty/tổ chức. Đây là lý do khiến nhiều người nói HTTT có gắn với kinh tế hay quản trị. Nhưng để theo ngành hệ thống thông tin các bạn không cần phải nắm hết các kiến thức chuyên ngành về kinh tế, chỉ cần nắm những khái niệm cơ bản để có thể hiểu được "ngôn ngữ" của dân kinh tế và làm việc với người ta mà thôi.

          Bên cạnh các HTTT phổ thông, có 2 loại HTTT cao cấp. Một là HTTT địa lý (GIS), nôm na là để quản lý bản đồ trên máy tính. Với con người bản đồ là một cái hình ảnh. Nhưng làm sao để máy tính biết là tong tấm hình đó nó có nhà, có sông, có đường xá. Rồi làm sao để nó biết là nhà cấp 4 khác vila biệt thự rồi đường nào một chiều 2 chiều, khoảng cách theo đường là bao nhiêu thì nó không có dễ. Rồi các bạn tính thêm yếu tố nhà có thể bị thần đèn Nguyễn Cẩm Lũy dời đi nữa thì đó là một cơn ác mộng.

          Loại HTTT cao cấp thứ 2 là hệ thống thông tin thông minh. Thông minh ở đây các bạn có thể hiểu là cách biến thông tin thành tri thức. Ví dụ từ bảng thống kê hàng hóa bán được trong năm năm làm sao rút ra được các mặt hàng dễ kiếm lời trong sau nay để nhập về bán tiếp. Có thể bạn thấy năm nay người ta mua nhiều máy nghe nhạc MP3 mà không mua máy nghe CD. Như vậy là CD hết thời không cần nhập nữa. Nhưng trong trường hợp khác năm nay người ta mua nhiều TV. Mà một cái TV xài 5-7 năm, năm nay mua rồi là năm sau người ta không cần mua nữa, bạn nhập về là ôm cục lỗ. Có rất nhiều yếu tố càn cân nhắc và có nhiều kỹ thuật lắt léo trong này. Để xây dựng HTTT dạng này các bạn cần kiến thức của ngành Khoa học máy tính và một chút toán. Đồng nghĩa với việc bạn sẽ bị mấy anh KHMT, mấy anh Toán tin và có khi là cả phần mềm vô cạnh tranh. Cơ hội luôn dàn đều cho mọi sinh viên khi ra trường dù bạn ở ngành nào mà
          Last edited by sinhvien.uit; 02-01-2013, 23:38.

          Comment


          • #6
            Và cuối cùng khoa KHMT. Khoa tổng quát nhất về công nghệ thông tin. Có thể nói nó len vào từng ngóc ngách của mọi ngành khác và ở nhiều nước khi nhắc đến công nghệ thông tin người ta chỉ dạy 2 ngành Khoa học máy tính và kỹ thuật máy tính (ĐHBK áp dụng mô hình 2 ngành này). Trong đó nếu Kỹ thuật máy tính có thể thiết kế ra máy tính thì thì Khoa học máy tính hướng đến việc dùng cái máy tính đó để giải quyết các vấn đề đặt ra trong đời sống. Bạn không bị gò bó vào một hướng đi hay một nào có sẵn hay phải dùng công nghệ gì cả. Khi lập trình, khoa học máy tính này xoáy sâu vào thuật toán và cấu trúc dữ liệu. Đây là nền tảng để tạo ra mọi chương trình.
            Chương trình = Thuật toán + Cấu trúc dữ liệu.
            Một chương trình dùng công nghệ, dùng cơ sở dữ liệu gì, chạy trên hệ thống mạng nào đi nữa, dùng nền tảng máy tính nào đi nữa quy cho tới tận cùng đều gồm 2 phần chính là thuật toán và cấu trúc dữ liệu. Mình mất hơn 2 năm để thấm thía câu này, có thể bây giờ nhiều bạn chưa khâm phục nó ngay nhưng học đi rồi từ từ sẽ thấy.

            Trở ngại lớn nhất của nhiều bạn khi đến với KHMT là không biết nó học ra làm gì. Có bạn tìm hiểu thì thấy nó là học để nghiên cứu, vậy nghiên cứu là gì? Nghiên cứu là tìm ra CÁI MỚI. Cái mới ở đây là cái chưa ai làm hoặc có làm mà chưa ai làm ra, tìm ra cái mới là mục đích cao nhất của khoa học. Như vậy một người theo hướng khoa học máy tính khi ra trường có thể làm bất cứ vị trí nào liên quan đến công nghệ thông tin, lập trình cũng tốt, bảo mật cũng được, hệ thống cũng OK. Nói chung là tuỳ lúc bạn đang ngồi trên giảng đường bạn thích cái gì thì bạn tự định hướng mình về cái đó. Với khoa Khoa học máy tính ở trường bạn sẽ ra trường trước các ngành khác nửa năm. Trong nửa năm này bạn có thể dùng để tìm hiểu công nghệ mới và bắt kịp với các khoa khác về kiến thức công nghệ. Cơ hội luôn luôn là như nhau cho sinh viên ra trường ở tất cả các ngành.


            Còn những bạn nào thấy ham mê khoa học, muốn làm một công việc nào đó mà nhìn vô là biết ngay khoa học thì các bạn có thể làm trong các Phòng R&D của công ty, các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, các trường đại học và... (bên cạnh tất cả các công việc khác trong ngành công nghệ thông tin). Các bạn thử tưởng tượng cảnh trong film Mỹ hay có là một thằng lơn tơn nào đó đang đi tự nhiên có một ông áo blouse trắng tới dúi cho nó 1 cái usb chứa kết quả nghiên cứu bí mật xong rồi chạy mất. Vài hôm sau thằng lơn tơn đọc được tin trên báo là ông áo blouse trắng bị mất tích, còn usb chứa kết quả nghiên cứu tuyệt mật và bỗng dưng thằng lơn tơn bị khủng bố truy đuổi gắt gao nó phải làm đủ trò để cho hết film, tưởng tượng được cảnh đó chưa? Các bạn sẽ là ông mặc áo blouse trắng đó.


            Nói vui thêm một tí là những cái tên lừng lẫy trong CNTT như Bill Gate, Mark Zuckenberg, Paul Allen, Dennis Ritchie, Linus Torvald đều từng là học và làm việc trong ngành Khoa học máy tính.
            Last edited by truonganpn; 02-01-2013, 23:20.

            Comment


            • #7
              em có 1 số thắc mắc về cơ hội việc làm và thu nhập của sv ra trường ngành HTTT. Mong các ac đi trc chỉ rõ

              Comment


              • #8
                Originally posted by ariespro View Post
                em có 1 số thắc mắc về cơ hội việc làm và thu nhập của sv ra trường ngành HTTT. Mong các ac đi trc chỉ rõ
                Cơ hội việc làm: Tương đương với các ngành khác.
                Thu nhập sau khi ra trường: Sẽ không có anh chị nào nói thu nhập của mình cho một người xa lạ biết nên em khỏi hỏi mất công. Nhưng đảm bảo là thu nhập của sinh viên ngành HTTT sẽ... tương đương với các ngành khác.

                Nếu em chỉ quan tâm tới lương và tiền thì em có thể đọc lại post #1 của topic này, các post sau là phần chuyên môn rồi.

                Comment


                • #9
                  Đào mộ sau khi có sự bổ sung, edit từ các tác giả.

                  Comment


                  • #10
                    Originally posted by 12520196
                    Mình thấy hầu hết lập trình viên nào (bất kể khoa gì) họ cũng bỏ túi khá nhiều ngôn ngữ lập trình, ko cần nhiều lắm nhưng cũng ko ít :nosebleed:
                    thật ra thì họ chỉ học bài bản hai món C và Java/C#.... riêng KTMT thì thêm Verilog/VHDL... còn mấy ngôn ngữ khác chủ yếu là "tự vọc"
                    Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc,
                    Một dấu chân in màu đất hai miền.

                    ------------------------------------------------------

                    Comment


                    • #11
                      Originally posted by becksphanduy
                      Em học Khoa học máy tính, yêu thích mảng AI - trí tuệ nhân tạo, vậy có cần phải học quá nhiều ngôn ngữ lập trình không ạ? Và định hướng học như thế thì em sẽ học khác như thế nào so với người học công nghệ phần mềm ạ?
                      Cái quan trọng là nắm được tư tưởng đằng sau ngôn ngữ lập trình, nắm programming paradigm của ngôn ngữ lập trình đó. Khi đã nắm tư tưởng thì học một ngôn ngữ mới là không khó, chương trình học của khoa học máy tính giới thiệu cho em nhiều programming paradigm hơn chương trình công nghệ phần mềm.
                      Last edited by truonganpn; 17-02-2013, 11:49.

                      Comment


                      • #12
                        Originally posted by becksphanduy
                        Có anh chị nào viết về an ninh thông tin được không ạ?
                        ngành này năm nay mới có chắc mấy anh chị cũng không biết rõ đâu. Mình năm nay cũng thi An ninh thông tin nè! theo tìm hiểu của mình thì thực ra nó nằm ở bộ môn an ninh thông tin và bảo mật mạng của các ngành còn lại chẳng qua là chuyên sâu hơn ko phải học kiến thức của mấy ngành kia!
                        P/s: đây chỉ là ý kiến riêng tư của mình nhé

                        Comment


                        • #13
                          Muốn tìm hiểu ngành An ninh thông tin các bạn có thể đọc bài giới thiệu của thầy TS. Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên khoa Mạng máy tính & truyền thông.
                          Nhằm giới thiệu hệ đào tạo kỹ sư tài năng chuyên ngành "An Ninh Thông Tin" mới mở tại ĐH CNTT , chúng tôi giới thiệu một vài môn học để các ...
                          Trong ngũ hành , Hệ Thống Thông Tin thuộc Mộc , như cây cỏ nơi đâu cũng có , nơi đâu cũng sống được.

                          Comment


                          • #14
                            em muốn sau này làm game thì học ngành nào ạ, liệu sau này có thể làm cho các công ty tầm cỡ như EA, KONAMI ko ạ :sunglasses:
                            ước mơ nhỏ nhoi thui :look_down: nếu xa vời quá xin đừng gạch laster:
                            Last edited by i_am_bad_boy; 26-02-2013, 18:30.

                            Comment


                            • #15
                              Originally posted by i_am_bad_boy View Post
                              em muốn sau này làm game thì học ngành nào ạ, liệu sau này có thể làm cho các công ty tầm cỡ như EA, KONAMI ko ạ :sunglasses:
                              ước mơ nhỏ nhoi thui :look_down: nếu xa vời quá xin đừng gạch laster:
                              Nếu em muốn đi sâu về lập trình games thì nên theo CNPM. Còn thực ra khoa nào cũng làm games đc cả
                              [CENTER]CHỮ KÍ LÀ CÁI GÌ ẤY NHỈ - TỚ CŨNG KO BIẾT NỮA CƠ ::sogood::

                              Comment

                              LHQC

                              Collapse
                              Working...
                              X