Announcement

Collapse
No announcement yet.

So sánh quyền sử dụng tài liệu của bạn trên G.Drive, Dropbox, SkyDrive, iCloud

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • So sánh quyền sử dụng tài liệu của bạn trên G.Drive, Dropbox, SkyDrive, iCloud

    Không chỉ có Google Drive mà cả các dịch vụ nổi tiếng khác như Dropbox hay SkyDrive đều nắm hầu hết các quyền đối với những dữ liệu mà bạn tải lên, ví dụ như quyền sử dụng, quyền lưu trữ, quyền tái sản xuất, quyền chỉnh sửa, quyền đem đi truyền thông, xuất bản, phân phối... rất rất nhiều các quyền mà khi đọc ra, chúng ta có cảm tưởng rằng mọi dữ liệu tải lên đều thuộc quyền sở hữu của Google, vậy sự thật ra sao và chúng ta có cần phải lo lắng không? Xin mời các bạn đọc tiếp.

    Những quyền trên được liệt kê rất rõ trong bản điều khoản sử dụng dịch vụ (Terms of Service - ToS) của Google. Một khi bạn đồng ý sử dụng các dịch vụ của họ thì đồng nghĩa với việc chấp thuận các điều khoản trên. Và vì Google sử dụng chung một bản ToS cho toàn bộ các dịch vụ của mình, từ Gmail, Picasa... đến Google Drive cho nên từ ngữ trong bản ToS có tính mở rộng rất cao. Ví dụ như đoạn này:

    Một số dịch vụ của chúng tôi cho phép bạn tải dữ liệu lên. Bạn vẫn là người nắm giữ các quyền sở hữu trí tuệ mà bạn có trong dữ liệu đó. Nói một cách ngắn gọn thì cái gì của bạn vẫn sẽ là của bạn mà thôi.

    Khi bạn tải dữ liệu lên các dịch vụ của chúng tôi, bạn cho phép Google (và các hãng đối tác của Google) một giấy phép toàn cầu để được quyền sử dụng, lưu trữ, tái sản xuất, chỉnh sửa, tạo ra các công trình phát sinh (như dịch thuật, phóng tác hay các thay đổi khác để nội dung của bạn làm việc tốt hơn với các dịch vụ của chúng tôi), quyền được truyền thông, xuất bản, phân phối, thi hành và hiển thị công khai. Những quyền hạn bạn trao cho Google trong giấy phép này chỉ được dùng giới hạn cho việc vận hành, quảng bá và cải thiện các dịch vụ cũng như phát triển các dịch vụ mới của Google.

    Tại sao Google lại đòi hỏi nhiều quyền như thế? Google có lấy dữ liệu của người dùng làm của riêng hay không? Câu trả lời là không. Như đã nói rất rõ ở trên: "Cái gì của bạn vẫn sẽ là của bạn" ("what belongs to you stays yours"). Tuy nhiên, nếu không có những quyền trên thì các dịch vụ của Google sẽ làm việc một cách rất èo uột. Họ cần có những quyền như thế thì mới có thể di chuyển dữ liệu của bạn qua lại trong các máy chủ của họ, tạo bộ cache hay đơn giản là tạo một hình đại diện (thumbnail) cho các tập tin mà bạn tải lên. Đừng nghĩ những công việc đó là đơn giản, vì nếu bạn không cấp phép cho Google thì họ sẽ không thể "đụng" tới những file của bạn đâu, nếu không muốn vi phạm quyền riêng tư. Nếu không có các quyền trên thì những dịch vụ như Google Translate và Google Image Search (tìm kiếm hình ảnh trên Google) cũng sẽ không hoạt động được. Và các video clip trên YouTube cũng không còn được phép chiếu công khai nữa.


    Nói một cách ngắn gọn thì, Google đang tự ban cho mình các quyền hạn mà họ cần để vận hành tất cả các dịch vụ của họ, kèm theo một số giới hạn nhất định rằng họ không sở hữu bất cứ thứ gì mà bạn tải lên và cũng không thể sử dụng dữ liệu của bạn xa hơn mục đích vận hành đó.

    Vậy còn quyền "quảng bá và cải thiện các dịch vụ" là sao? Câu trả lời là đây:
    Chúng tôi sử dụng các thông tin thu thập được từ tất cả các dịch vụ của mình để cung cấp, duy trì, bảo vệ và cải thiện chúng, để phát triển những cái mới, và để bảo vệ Google cũng như những người dùng của mình. Chúng tôi còn sử dụng những thông tin này để cung cấp cho người dùng những thông tin tốt hơn, ví dụ như trả về các kết quả tìm kiếm và quảng cáo có tính liên quan chẳng hạn. Chúng tôi sẽ hỏi ý kiến của bạn trước khi sử dụng thông tin cho một mục đích nào đó mà chưa được đề ra trong bảng chính sách riêng tư (Privacy Policy) của mình.

    Tiếp theo đây là "tình hình" chính sách của các dịch vụ khác:

    Dropbox
    Bảng ToS của Dropbox "dễ đọc" hơn của Google, ngôn ngữ thân thiện hơn và họ chỉ có một sản phẩm duy nhất đó chính là Dropbox.

    Bằng việc sử dụng các dịch vụ của chúng tôi, bạn sẽ cung cấp cho chúng tôi thông tin, tập tin và các thư mục mà bạn tải lên Dropbox (sau đây sẽ gọi chung là "dữ liệu"). Bạn vẫn giữ toàn quyền sở hữu đối với các dữ liệu đó. Những điều khoản này không cấp cho chúng tôi bất cứ quyền hạn nào đối với dữ liệu của bạn hoặc các tài sản trí tuệ, ngoại trừ những quyền giới hạn mà chúng tôi cần để vận hành các dịch vụ.

    Chúng tôi có thể cần sự cho phép của bạn để làm một số thứ bạn yêu cầu chúng tôi thực hiện với dữ liệu mà bạn tải lên. Ví dụ như lưu trữ tập tin hay chia sẻ chúng theo ý muốn của bạn. Điều này bao gồm cả một số chức năng mà bạn có thể nhìn thấy như tạo thumbnail hình ảnh hay xem trước tài liệu (Preview). Nó cũng bao gồm luôn một số lựa chọn về mặt thiết kế để chúng tôi có thể quản lý các dịch vụ của mình, ví dụ như chức năng sao lưu dữ liệu thường xuyên để bảo đảm tính an toàn. Bạn cấp cho chúng tôi những quyền chúng tôi cần duy nhất là để cung cấp các dịch vụ. Những quyền này cũng được mở rộng cho các đối tác tin cậy từ bên thứ 3 mà chúng tôi đang cùng làm việc để cung cấp các dịch vụ, ví dụ như Amazon, là hãng cung cấp máy chủ lưu trữ cho Dropbox (một lần nữa, phải nói là chỉ để cung cấp các dịch vụ mà thôi).


    Những từ ngữ trên đây của Dropbox nghe có vẻ dễ hiểu nhưng thật ra, nó lại mơ hồ hơn ngôn ngữ của Google rất nhiều. Trong khi Google liệt kê rất rõ những quyền mà họ cần để vận hành các dịch vụ thì Dropbox lại chỉ ghi là "những quyền mà chúng tôi cần" để vận hành, mà không nói rõ đó là các quyền gì. Đến nay người ta vẫn chưa rõ những quyền mà Dropbox cần là gì, và nó có thể thay đổi một khi Dropbox thay đổi loại hình dịch vụ mà họ cung cấp.

    SkyDrive
    Bảng ToS của SkyDrive (Microsoft) rất đơn giản và dễ hiểu:

    Ngoại trừ các nội dung mà chúng tôi cấp phép cho bạn thì chúng tôi không giữ bất cứ quyền sở hữu nào đối với các nội dung mà bạn cung cấp trên dịch vụ. Nội dung của bạn thì vẫn là của bạn. Chúng tôi cũng không kiểm soát, thẩm tra hay chứng thực các nội dung mà bạn và những người khác tải lên.

    Bạn hiểu rằng Microsoft có thể cần, và do đó bạn cấp cho Microsoft, quyền để sử dụng, chỉnh sửa, phóng tác, tái sản xuất, phân phối và hiển thị nội dung trên dịch vụ với mục đích là để cung cấp dịch vụ mà thôi.

    Những quyền này hoàn toàn trùng khớp với của Google và cũng có những giới hạn tương tự. Vì sao? Vì họ cần phải có những quyền đó để di chuyển dữ liệu của bạn trong các máy chủ. Tuy nhiên, ngôn ngữ của Microsoft cũng mập mờ như của Dropbox vì họ chỉ ám chỉ đến hai từ "dịch vụ" mà thôi, hoàn toàn không nói đến chữ SkyDrive.

    Đặc biệt, Microsoft còn nói họ có quyền xóa dữ liệu của bạn nếu nó vi phạm các điều khoản sau đây:
    Nếu bạn chia sẻ các dữ liệu trên dịch vụ mà có vi phạm bản quyền của người khác hay các tài sản trí tuệ khác, hoặc các quyền riêng tư thì coi như bạn đã phá vỡ bản hợp đồng này. Chúng tôi có thể từ chối xuất bản nội dung của bạn mà không cần có lý do hoặc với bất kỳ lý do nào. Chúng tôi có thể xóa dữ liệu của bạn ra khỏi dịch vụ vào bất kỳ lúc nào nếu bạn phá vỡ hợp đồng hoặc nếu chúng tôi hủy bỏ hoặc đình chỉ dịch vụ.

    iCloud
    Mặc dù iCloud (Apple) không cung cấp chức năng lưu trữ tài liệu trực tiếp trong các thư mục nhưng nó lại lưu rất nhiều dữ liệu của người dùng trong mục hình ảnh và tài liệu. Do đó họ cũng cần có một số quyền nhất định để quản lý chúng. Thật ra bảng ToS của iCloud cũng tương tự như của Google và Microsoft mà thôi, nhưng có thêm một điều đó là Apple sẽ chỉnh sửa dữ liệu của bạn nhằm mục đích luân chuyển nó giữa các mạng và hiển thị nó trên nhiều loại thiết bị khác nhau.

    Về vấn đề vi phạm bản quyền, Apple nói họ sẽ tuân theo Luật bảo vệ quyền tác giả (DMCA) và có quyền xóa bỏ những tài khoản vi phạm bản quyền nhiều lần. Apple còn nói họ sẽ xóa những dữ liệu bị phản đối, bị chê trách (Objectionable) vào bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên họ lại không nói rõ những nội dung bị "chê trách" là như thế nào.

    Kết luận
    Cái gì của bạn vẫn sẽ là của bạn, không dịch vụ nào trên đây đòi toàn quyền sở hữu đối với những gì mà bạn tải lên cả.
    Các dịch vụ cần có một số quyền hạn nhất định để quản lý dữ liệu của bạn và cải thiện dịch vụ của họ.
    Ngôn ngữ trong bảng điều khoản sử dụng của Dropbox và SkyDrive hơi mơ hồ, có thể sẽ khá nguy hiểm nếu họ thay đổi loại hình dịch vụ của họ.
    SkyDrive và iCloud có quyền xóa các nội dung vi phạm bản quyền mà bạn tải lên. Hãy cẩn thận.
    Theo TheVerge - Tinhte.vn

LHQC

Collapse
Working...
X