Announcement

Collapse
No announcement yet.

Xử lý hàng tồn (dành cho các FAer)

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Xử lý hàng tồn (dành cho các FAer)

    Xử lý hàng tồn

    Lời tựa: Xin cam đoan với các bạn nếu có trường hợp nào giống như những ví dụ đề cập tới thì đó hoàn toàn là sự trùng hợp ngẫu nhiên!!!

    Lâu nay mình coi thấy có nhiều bạn, em than thở có hàng tồn mà mãi không giải quyết được (Số lượng bạn thì ít mà em thì nhiều nên từ đây về sau mình nói gọn lại là em cho tiện nhé). Cũng khổ, nói không ngoa thì hàng họ của các em nhìn cũng tốt cả, chất lượng thì mình chưa xài qua nên không dám đánh giá, cơ mà chỗ thân tình mình vẫn tin tưởng ở các em. Thế mà mãi cứ than... Thôi thì hôm nay mình cũng mạo muội góp ý 1 chút, mong là giúp các em sớm giải phóng được hàng tồn. Những bạn, em nào đã giải phóng được hàng tồn thành công thì cũng góp chút kinh nghiệm giúp đỡ mọi người với. Còn ai đọc không thuận mắt lắm thì cũng xin nghĩ lại cho là mình cũng chỉ góp 1 chút ý kiến mong giúp người chứ không phải lên mặt dạy ai cả nên đừng chấp nhất quá.

    Rào trước đón sau như vậy chắc cũng ổn, thôi thì mình bắt đầu vào việc chính. Để xử lý hàng tồn, việc đầu tiên đương nhiên mình sẽ phải coi lại chất lượng hàng hóa. Kế tiếp là tìm hiểu nhu cầu thị trường và xác định khách hàng tiềm năng. Cuối cùng là lùng bắt dụ dỗ khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng chính thức. Chỗ này phải giải thích 1 chút. Thường thì tìm hiểu thị trường phải thực hiện trước công đoạn chuẩn bị sản xuất hàng hóa, cơ mà trong hoàn cảnh này mình đang góp ý giải quyết hàng tồn cho nên thực tế là lại phải kiếm thị trường cho hàng có sẵn... Thế mới bi đát. Ngoài ra, với hàng họ kiểu này công đoạn hậu mãi gần như là bị bỏ qua, giải phóng được hàng thì thường là chủ hàng chạy mất tiêu, ai đâu ở lại mà làm hậu mãi.

    Phần đầu tiên là xem lại hàng hóa của mình là gì, chất lượng ra sao. Trong giai đoạn này các em phải xác định được là mình muốn bán hàng chất lượng cao hay chỉ cần giải quyết hàng tồn là ổn. Nếu muốn bán hàng chất lượng cao, giá cao thì phải tốn thêm chi phí đầu tư cải tiến. Nếu đã quyết định làm như vậy thì phải phân tích nhu cầu thị trường ở bước kế tiếp thật kỹ và quay lại đầu tư đúng trọng điểm. Về hình thức, thị trường cần sản phẩm tròn thì phải làm tròn, cần mỏng thì phải làm mỏng. Chỗ nào cần tô thì phải tô, cần trát thì phải trát. Hàng hóa móp méo hay quá cỡ là không ổn. Về nội dung, chức năng phải hoạt động đúng, không thừa không thiếu. Chức năng nào cần thiết phải thêm ngay trong khi năng lượng tiêu thụ phải giảm. Ví dụ, định mức tiêu thụ năng lượng 1 ngày của sản phẩm phải ổn định, lâu lâu cũng được phép có sai số nhưng không được quá nhiều. Tuyệt đối tránh những lỗi nặng kiểu như nạp thẻ cào vào nhiều quá mà lại không bắn tiền ra được.

    Kế tiếp là phân tích thị trường. Việc tìm hiểu xem nhu cầu thị trường như thế nào và hàng họ của các em có phù hợp với thị trường không liên quan rất lớn tới khả năng bán hàng. Đơn giản là vì nếu hàng họ không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì dù có tốt mấy đi nữa, đẹp mấy đi nữa cũng không ai giúp các em rước mấy của nợ này đâu. Thời buổi Facebook nổi gió bão hiện nay, để kiếm được thông tin đúng thật sự rất khó. Khi giới thiệu hàng họ, các em thường gặp 2 luồng ý kiến chính là khen và chê. Thế có phải những người khen hàng của các em là khách hàng tiềm năng không, hay với những người chê có phải đã hết cơ hội giải phóng hàng tồn? Xin thưa sự thực chưa chắc đã đơn giản như thế.

    Với nhóm khách hàng khen lại phải phân ra thành 2 nhóm nhỏ. Nhóm đầu tiên khen vì lịch sự, dù họ thấy hàng họ của các em tốt thật thì họ cũng không có nhu cầu mua đâu. Nhóm thứ 2 khen vì họ quả thực quan tâm tới hàng họ của các em nhưng họ lại đang dùng chiến thuật nâng giá khống. Tạm gọi nhóm này là khen ảo. Chính vì thế nếu các em không tỉnh táo nhận biết được điều này mà cứ tưởng hàng họ của mình cao giá lắm thì các em sẽ nâng giá vô tội vạ và sập bẫy bị tồn hàng của nhóm khen ảo. Nhấn mạnh lại mục đích của nhóm khen ảo là nhằm nâng giá ảo của hàng họ, qua đó xua đuổi các khách hàng tiềm năng thực sự do không thể chấp nhận mức giá bất hợp lý như vậy.

    Với nhóm khách hàng chê lại cũng phải phân ra thành 2 nhóm nhỏ khác. Nhóm đầu tiên ghét thật vì họ nhận ra được hàng họ của các em cao quá giá trị thực rất nhiều. Họ ghét là ghét cái thái độ các em ạ chứ không phải ghét hàng họ của các em. Nhóm thứ 2 nói ghét ngoài miệng vì bị bỏ bê nhưng trong lòng lại thích. Tạm gọi là nhóm thích thấy ghét. Họ nói ghét vì các em đã sập bẫy của nhóm khen ảo. Các em cứ tưởng nhóm khen ảo là khách hàng tiềm năng mà săn đón đong đưa trong khi không màng tới nhóm thích thấy ghét.

    Phân tích như vậy cho thấy trong nhóm khen chỉ có nhóm khen ảo có khả năng giải quyết hàng tồn cho các em nhưng chỉ trong tình huống hàng của các em đã gần hết đát phải đẩy đi bằng mọi giá và đương nhiên là họ sẽ ép giá đến cùng. Trong khi nếu các em nhận biết được khả năng và tâm ý của nhóm thích thấy ghét mà hạ giá xuống cho đúng giá thị trường thì các em có thể có 1 giao dịch ưng ý thỏa lòng hơn.

    Khi đã xác định được khách hàng tiềm năng như trên thì việc kế tiếp là rào đón, vây bắt không để chúng thoát. Đoạn này thì mình xin không nói phương pháp mà các em phải tự tìm hiểu qua các kênh khác vì dù sao mình cũng phải để đức lại cho con cháu. Những gì bá đạo mình không thể làm.

    Nói tóm lại, việc hàng họ có tồn hay không phụ thuộc rất lớn vào khả năng định giá và xác định khách hàng tiềm năng. Nếu giải quyết được hai việc này chính xác thì mình nghĩ 2 ký tự FA sẽ là Financial Available chứ không còn là Forever Available nữa. (Nhắc lại FA này là trùng hợp thôi nhé)

    Chúc các em thành công.
    TD tùy bút

LHQC

Collapse
Working...
X